Theo số liệu từ Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia, năm 2017 so với 2016, đánh dấu sự hồi phục rõ nét của thị trường bất động sản, xét trên các góc độ biến động về giá và tồn kho.
Tín dụng bất động sản giảm
So với 2016, mức giá của loại hình căn hộ cao cấp tăng từ 7% – 10% và trung cấp tăng từ 5% – 7% trong khi nhà ở bình dân chỉ tăng 3% – 5%.
Tổng giá trị tồn kho bất động sản cả nước còn khoảng 25.700 tỷ đồng, giảm 17%, tương ứng giảm 5.300 tỷ đồng so với tháng 12/2016.
Đáng chú ý, về nguồn vốn của thị trường như sau:
Một là, dòng vốn FDI vào lĩnh vực bất động sản tiếp tục xu hướng tăng. Dựa trên số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), báo cáo cho biết, trong 11 tháng đầu năm 2017, vốn FDI bất động sản đạt 2,5 tỷ USD, đứng ở vị trí thứ 3 và chiếm 7,6% tổng vốn FDI vào Việt Nam, tăng 54,8% so với cùng kỳ năm 2016.
Hai là, nếu như một số năm trước, tín dụng bất động sản luôn ở tình trạng năm sau cao hơn năm trước thì 2017, dòng vốn này có phần chững lại, thậm chí còn giảm. “Năm 2017, tỷ trọng tín dụng vào hoạt động kinh doanh bất động sản và xây dựng giảm nhẹ. Tỷ trọng tín dụng vào lĩnh vực này chiếm 15,8% trong tổng tín dụng trong khi năm 2016 là 17,1%. Trong đó, vào lĩnh vực xây dựng khoảng 9,9%, vào hoạt động kinh doanh bất động sản chiếm khoảng 5,9%”, báo cáo nêu.
Cũng theo báo cáo của Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia, ngoài tỷ trọng tín dụng “chính danh” rót vào bất động sản đã nói ở trên, còn một phần tín dụng nữa có liên quan mật thiết đến thị trường bất động sản nằm ẩn trong “tín dụng tiêu dùng”.
Theo đó, năm 2017, tín dụng tiêu dùng ước tăng 65% (năm 2016 tỷ lệ này là 50,2%). Tỷ trọng tín dụng tiêu dùng trong tổng tín dụng tăng từ 12,3% (năm 2016) lên 18% (năm 2017).
Đáng chú ý, cho vay với mục đích mua, sửa chữa nhà ở tiếp tục chiếm tỷ trọng chính và là lĩnh vực tăng mạnh nhất trong cấu phần “tín dụng tiêu dùng”. Cụ thể: năm 2017 tỷ trọng hạng mục này chiếm 52,9% (năm 2016 chiếm 49,5%); còn tốc độ tăng là 76,5% (năm 2016 tăng 78,4%).
Rào cản kỹ thuật kết hợp chủ động kiểm soát
Một trong những rào cản kỹ thuật để hạn chế dòng vốn tín dụng vào lĩnh vực bất động sản dù không nói thẳng ra nhưng đã kinh doanh ngân hàng, ai cũng hiểu điều này: hạn chế tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn trong cơ cấu kỳ hạn của nguồn vốn huy động.
Theo đó, tỷ lệ này năm 2017 là 50% và đến 2018 được rút xuống 45%. Liên quan đến vấn đề này, ngày 21/12/2017, Hiệp hội Bất động sản Tp.Hồ Chí Minh (HoRea) có văn bản kiến nghị ngân hàng Nhà nước tiếp tục duy trì tỷ lệ 50% đến hết năm 2018.
Tuy nhiên, qua trao đổi, ông Lê Minh Hưng, Thống đốc ngân hàng Nhà nước khẳng định: “ngân hàng Nhà nước cũng đã trao đổi với HoRea, tinh thần là vì cái chung, không nên kéo dài tỷ lệ này sang năm 2018”.
Trên tinh thần đó, tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2018 toàn ngành và liên tục ở các hội nghị của từng ngân hàng trong nhóm 4 ngân hàng thương mại Nhà nước chi phối vốn (không tính 3 ngân hàng 0 đồng), ông Lê Minh Hưng quán triệt: “Các ngân hàng chủ động dành vốn cho lĩnh vực sản xuất, kinh doanh như ưu tiên của Chính phủ và định hướng của ngân hàng Nhà nước trong nhiều năm. Đồng thời, tự chủ động kiểm soát dư nợ tín dụng bất động sản”.
Tại buổi họp báo toàn ngành mới đây, bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc ngân hàng Nhà nước cho biết, năm 2018, ngân hàng Nhà nước vẫn kiên trì với mục tiêu mở rộng tín dụng đi đôi với an toàn chất lượng, đảm bảo cung ứng vốn cho nền kinh tế, tạo điều kiện thuận lợi trong tiếp cận vốn ngân hàng.
Tuy nhiên, với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như kinh doanh bất động sản, chứng khoán, ngân hàng Nhà nước tiếp tục kiểm soát chặt chẽ.